Kỳ Nam “Thăng trầm và ước vọng” – Phần 1

Từ ngày kỳ nam được thu mua với giá cao – nghĩa là đúng với giá trị thực của nó, cứ mỗi lần có ai đó săn được kỳ nam từ đôi ba ký trở lên và đem bán cho thương lái thì đó cứ y như là một chuyến thời sự nổi đình nổi đám. Nhưng chung quanh tin vui của kẻ bán người mua những người được hưởng lợi từ loại sản vật quý hiếm giấu mình giữa thăm thẳm rừng sâu này – có không ít những nghịch lý…

“Nghĩa lý” kỳ nam bèo bót một thời

Từ xa xưa kỳ nam đã được coi là loại trầm thượng đẳng, siêu hạng, nghĩa là vượt hẳn trầm loại 1. Nhưng thị trường trầm hương miền Trung thời Pháp thuộc, theo một ít những phu trầm thời này còn sống kể lại, dù kỳ nam rất ít khi săn được, giá vẫn không cao hơn trầm loại 1. Còn đến thời thịnh đạt của các chợ trầm suốt những năm cơn sốt săn trầm sanh (săn tìm trầm từ những cây dó còn sống) kéo dài từ những năm cuối thập kỷ 70 đến những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, như một nghịch lý, kỳ nam lại không được được chuộng, giá cả rất thấp. Ông B.N – một lái trầm ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) kể rằng thời 1985-1989 người săn trầm ở Ba Tơ thỉnh thoảng có tìm gặp được kỳ nam nhưng vẫn phải bán với mức giá bèo bọt: 3 kg kỳ chỉ được 1 chỉ vàng! Dẫu có đặc trưng màu sắc khác với trầm loại thấp do có hàm lượng tinh dầu trầm rất cao, các tà-kê (lái trầm) vẫn ghép kỳ vào loại hàng tốc (một loại trầm thấp hạng (loại 5, 6), có chút ít đặc trưng kết cấu, màu sắc giống kỳ). Giá kỳ nam quá rẻ nên một số điệu (người săn trầm) khi gặp một ít kỳ nơi cây dó có nhiều trầm họ chỉ lấy trầm còn bỏ lại kỳ!

Số phận kỳ nam ở Quảng Nam – vùng trầm giàu có ở miền Trung – thời đó vẫn không hơn gì. Ông Nguyễn Hoàng Huy, nhân viên KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) của một công ty ngoại thương ở Quảng Nam thời đó, kể: “Mình vẫn biết đó là kỳ nhưng khi mua vẫn gọi đó hàng xô 6 (trầm loại 5, 6 trở xuống được gọi là xô), bán lại cho công ty ngoại thương cấp trên với giá hàng xô 5 để kiếm ít đồng lời. Tiếc thật, chừ mà được lượng kỳ nhiều như hồi đó thì cả điệu với tà-kê đều giàu to…”. Nhiều điệu ở Phú Hương – một làng săn trầm hương chuyên nghiệp từ những năm 1930 mãi cho đến nay, thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam – cũng tiếc xót kể lại rằng trước ngày kỳ nam lên giá mới đây họ đã cố trộn kỳ nam vào trầm loại một để bán nhưng thương lái thấy màu kỳ liền bốc ra, liệt vào hạng tốc theo ông Huy, không phải các công ty ngoại thương hay thương lái ép giá người bán nhưng vì vào thời đó kỳ nam chưa có đầu ra. 

Đã có một số thương lái mang kỳ đi Hà Nội, Sài Gòn chào bán nhưng rồi không có người mua phải ôm hàng về.

Lên lại ngôi và lên… cơn sốt

Hết một thời làm thân bèo bọt, kỳ nam đã được trả lại giá trị của nó. Ở Quảng Ngãi, theo ông B.N ở Ba Tơ, mãi đến năm 1990, khi có thông tin người Nhật thu mua kỳ nam, loại kỳ vốn được các lái trầm liệt vào loại hàng tốc với giá rẻ bèo trước đó đã được họ thu mua với giá cao hơn trầm loại 1 một ít và được gọi tốc ớt (vì có vị cay).

Huỳnh Văn Mỹ – Kiến thức ngày nay – Thành phố Hồ Chí Minh – số 607-Năm 2007

Cám ơn các Bạn đã xem tin 

Kính chào 

 14/12/2016

 


Sửa lần cuối lúc 20:43 26/05/2017 | Up 71 lần, lần cuối lúc 20:43 26/05/2017